Chị Minh Ngọc (Đăk Lăk), 38 tuổi đi khám chuyên khoa da liễu trong tình trạng da bị sần sùi với mụn nhỏ li ti, bong tróc và đổ nhờn. Chị cho biết, trước đây chị dùng mỹ phẩm gì cũng không bị
dị ứng, nhưng gần đây, da bỗng dưng biến đổi, không thể dùng được bất kỳ loại sản phẩm dưỡng da hay trang điểm nào. Khi chị thoa kem dưỡng, kem chống nắng, chỉ khoảng 3- 4 giờ sau thì da liền nổi lên những
mụn nước dị ứng.
Theo ThS.BS Lê Thái Vân Thanh, Bộ môn Da liễu, ĐH Y Dược TP.HCM: nhiều trường hợp đến khám cho biết họ bỗng dưng
dị ứng mỹ phẩm. Điểm chung của những trường hợp này là trước đó hoặc đã sử dụng rất nhiều loại mỹ phẩm khác nhau hoặc chỉ dùng một loại mỹ phẩm nhưng trong thời gian kéo dài.
Da được phân thành 4 loại: thường, khô, nhờn và hỗn hợp. Nhạy cảm chỉ là từ để diễn tả một tình trạng của da. Bất kỳ tác nhân nào từ môi trường như gió, nước, bụi hay mỹ phẩm, hoặc ngay cả tóc cũng có thể gây kích ứng cho da. Do đó, khi bạn thoa một loại mỹ phẩm mà da không chấp nhận nghĩa là nó báo động cho biết rằng không nên thoa loại đó nữa. Lý do là có một hay nhiều hoạt chất trong sản phẩm có nồng độ cao hơn mức da có thể chịu được hoặc vì da bạn quá yếu.
Nguyên nhân da trở nên nhạy cảm - theo TS.BS Văn Thế Trung, Bộ môn Da liễu, ĐH Y Dược TP.HCM - là do mỹ phẩm, do cơ thể có những thay đổi hoặc do cả hai. Một người chưa
bị dị ứng mỹ phẩm không có nghĩa là mãi mãi sẽ không bị dị ứng. Những thay đổi trong cơ thể có thể do tác động của môi trường sống hoặc do hàng rào bảo vệ da bị tổn thương, có những khiếm khuyết. Mỹ phẩm sử dụng ban đầu tạo ra phản ứng nhưng chậm, không biểu hiện rõ; sau nhiều lần sử dụng da sẽ “ghi nhớ” và tạo ra phản ứng nhanh, mạnh hơn.
BS Lê Thái Vân Thanh, tư vấn: khi da đã không chấp nhận loại mỹ phẩm vẫn thường dùng, điều quan trọng là phải ngưng ngay. Dù là những sản phẩm làm đẹp của thương hiệu uy tín cũng chỉ phù hợp để dùng trong một giai đoạn nhất định chứ không thể dùng mãi. Chẳng hạn, cùng một sản phẩm, trong thời gian đầu dùng, lớp sừng trên da bạn còn sần sùi, nó mang lại hiệu quả rất tốt. Da bạn trở nên sáng mịn hơn. Khi những lớp sừng đã bằng phẳng, bạn vẫn tiếp tục dùng loại sản phẩm đó thì lại không phù hợp nữa, da bạn sẽ bị bào mòn, tổn thương và dễ dàng bị kích ứng.
Theo BS Văn Thế Trung, trong tình trạng nhạy cảm, da mặt đã bị tổn thương, mất nước, dễ kích ứng. Vì vậy, điều quan trọng là cần
phục hồi da lại hàng rào bảo vệ da bằng cách dưỡng ẩm. Dưỡng ẩm để da không bị mất nước bằng các sản phẩm dưỡng ẩm phù hợp. Đó là những sản phẩm có loại lipid tương đồng với da để giúp tạo hàng rào bảo vệ da, giúp da khỏe lên. Lưu ý, tránh đắp các loại mặt nạ trái cây vì sẽ làm cho da bị mất nước thêm.
“Khi da đã yếu, bị tổn thương và phát sinh những bệnh lý như
mụn trứng cá, nám thì chị em không nên tự ý
điều trị dị ứng mỹ phẩm. Nên đến các bác sĩ chuyên khoa
điều trị dị ứng để được đánh giá chính xác cũng như có những chỉ định phù hợp với tình trạng da cụ thể của từng người” - BS Lê Thái Vân Thanh khuyến cáo.
Theo Suckhoedoisong